
Chóe gốm “Dâng hiến”
Tác phẩm gốm Dâng hiến của nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn làng gốm Bát Tràng – Gia Lâm – Hà Nội được tạo hình là một chiếc Chóe – bởi theo quan niệm dân gian Chóe là đồ vật linh thiêng được thờ trong các đình chùa. Ngày hội làng hàng năm các cụ cao niên trong làng mang Chóe ra giữa sông múc nước thuần khiết nhất rước về lễ Thánh.

Tác phẩm Chóe gốm “Dâng Hiến” tại buổi lễ
Là một nghệ nhân của làng gốm cổ Bát Tràng, nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn đã nung nấu ý tưởng làm một chiếc chóe để dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã nhiều lần gặp và xin ý kiến đóng góp của các giáo sư, chuyên gia và các bạn bè đồng nghiệp như nhà Sử học Dương Trung Quốc, TS. Đặng Văn Bài – Nguyên Cục trưởng Cục di sản Việt Nam, tiến sỹ chuyên ngành gốm Phạm Dũng, nghệ nhân gốm Vương Tuấn, Trần Độ, Phạm Khang…
Sau hai năm nghiên cứu chế thử nhiều lần, năm 2008 nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã làm thành công chiếc chóe lớn đầu tiên với chủ đề “Mùa xuân“ được trang trí vẽ chim và hoa, sau đó trong nhiều cuộc họp bàn xin ý kiến đóng góp của mọi người để làm chiếc chóe mang ý nghĩa độc đáo hơn dâng lên Đại lễ Thăng Long nghìn năm tuổi đã lại một lần nữa thôi thúc nghệ nhân Tô Thanh Sơn nghiên cứu, trăn trở để cho ra đời một tác phẩm gốm mới độc đáo và đặc sắc hơn.

Bài thơ “Dâng Hiến” do nhà thơ, nhà phê bình Phạm Huy Khang viết tặng
Từ đó, trải qua bao nhiêu khó khăn thì chiếc chóe – tác phẩm gốm Dâng hiến ra đời với tạo hình rất công phu, có kích thước lớn nhất từ trước tới nay (cao 1,65m, đường kính 1m). Đây cũng là một sản phẩm hoàn mỹ và mang nhiều giá trị sâu sắc:
Về giá trị văn hóa lịch sử: Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Đây là một tác phẩm rất khó thực hiện, chưa ai từng thể hiện, tác phẩm này đã thể hiện được sự gắn kết của lịch sử với nghìn năm Thăng Long – Hà Nội“.
Toàn bộ bề mặt của tác phẩm được trang trí bằng các bức phù điêu: Đinh Bộ Lĩnh với trận cờ lau; Thái Hậu Dương Vân Nga trao long bào; Vua Lý Công Uẩn đứng trên thuyền rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và hình ảnh toàn bộ Chiếu dời đô.
Có thể xem tác phẩm này như những trang sử sống động ghi dấu ấn huy hoàng của lịch sử Việt Nam một thời.
Về giá trị tâm linh: Chiếc chóe đại dáng dấp thanh thoát như một búp sen chớm nở. Một loài hoa thanh cao biểu trưng của Phật giáo, một loài hoa được tôn vinh là Quốc Hoa của dân tộc.
Trên tác phẩm có khắc chữ Vạn, là chữ nhà Phật, các cánh sen cách điệu sắp xếp như vòng ôm Phật pháp, là sự phù hộ độ trì của Trời, Phật, Thánh, Thần.
Về giá trị nghệ thuật và mỹ thuật: Ông Lê Xuân Thổ – Chủ tịch hội gốm sứ Hà Nội nhận xét: “Chiếc chóe đại này là đỉnh cao của Bát Tràng hiện nay, nó là một trong những tác phẩm gốm nghệ thuật hoàn chỉnh nhất“.
Các bức phù điêu được chạm khắc vô cùng đẹp và sống động. Toàn bộ bề mặt không vết nứt hoặc bị biến dạng. Mầu men trà là màu men cổ được phủ bóng, đều tôn thêm vẻ uy nghi của tác phẩm. Đặc biệt khi gõ vào chóe có tiếng vang ngân như tiếng chuông.
Giá trị về công nghệ: Đây là một bước đột phá về công nghệ chế tạo sản phẩm gốm tròn có kích thước lớn và mỏng. Không những vậy hình ảnh tác phẩm có dáng eo thon nên việc chế tạo xương cốt là rất khó, sản phẩm này lại được đốt ở nhiệt lượng cao (1270 độ C) nên việc chống lại sự biến dạng nứt vỡ yêu cầu phải có kỹ thuật đặc biệt và tay nghề cao mới có thể kiểm soát được.
Giá trị về nhân văn: Phụ nữ trên thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đã được rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, tạo hình, âm nhạc ca ngợi…
Trên tác phẩm có khắc nổi hình Thái Hậu Dương Vân Nga trao Long Bào cho Lê Hoàn, hình ảnh đó tượng trưng cho việc chuyển giao quyền lực giữa nhà Đinh và nhà Lê một cách êm thấm, tốt đẹp. Đây là một việc làm đáng kính trọng. Người phụ nữ Việt Nam – Thái Hậu Dương Vân Nga đã biết hy sinh quyền lợi và địa vị vì nghĩa lớn, vì sự bình yên của dân tộc, vì sự phồn thịnh của đất nước. Và vượt lên trên tất cả đó là tình yêu hòa bình tránh được sự đổ máu của việc tranh giành quyền lực. Sự thể hiện đó là một hành động hy hữu, vô cùng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Thế giới, là bài học sống về tính nhân văn.
Như vậy, chiếc chóe đại của nghệ nhân Tô Thanh Sơn là một tác phẩm độc đáo, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Tác phẩm này đã được trưng bày tại nhiều triển lãm nhân dịp kỷ niệm 1000 năm thăng Long tại Thủ đô Hà Nội, được các nhà phê bình, sưu tầm đánh giá rất cao.
Với những ý nghĩa ấy, căn cứ đề xuất của nghệ nhân Tô Thanh Sơn, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Viện Sáng tạo Độc bản Việt Nam đã cử cán bộ, chuyên viên đi thực tế xem xét, thu thập tư liệu và hình ảnh để thực hiện việc xác lập giá trị độc bản kỷ lục cho tác phẩm Chóe gốm “Dâng Hiến”.

TS. Thang Văn Phúc và TS. Lê Thanh Bình bên tác phẩm “Dâng Hiến”
Vào lúc 10h sáng ngày 30/9/2018, tại khuôn viên nhà cổ của nghệ nhân Tô Thanh Sơn (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) đã diễn ra buổi lễ công bố và trao tặng bằng xác lập Độc bản Kỷ lục Việt Nam cho tác phẩm Chóe gốm “Dâng Hiến”. Buổi lễ với sự có mặt của TS. Thang Văn Phúc – Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam và TS. Lê Thanh Bình – Viện trưởng Viện Sáng tạo Độc bản Việt Nam cùng người thân, bạn bè của nghệ nhân Tô Thanh Sơn.

Nghệ nhân ưu tú làng gốm cổ truyền Bát Tràng chụp ảnh cùng khách mời

TS. Lê Thanh Bình, Viện trưởng Viện Sáng tạo Độc bản Việt Nam trao bằng xác lập cho Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn

TS. Thang Văn Phúc – Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam tặng hoa chúc mừng Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn
Tác phẩm Chóe gốm “Dâng Hiến” từ ý tưởng cho đến khi hoàn thành đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng tâm huyết cùng sự tận tâm và bàn tay khéo léo tài hoa của nghệ nhân Tô Thanh Sơn thực hiện đã tạo nên một tác phẩm độc đáo, có ý nghĩa tâm linh đặc biệt dâng lên Đại lễ Nghìn năm Thăng Long.
Với những giá trị đó, tin tưởng rằng Tác phẩm Chóe gốm “Dâng Hiến” sẽ tồn tại lâu dài theo thời gian, trở thành một trong những tác phẩm mang nét đẹp độc đáo trường tồn. Ý nghĩa của tác phẩm vì thế không dừng lại ở cá nhân mà còn là một tác phẩm có giá trị của địa phương, đất nước.